ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO THƯ VIỆN TẠI TỈNH TRÀ VINH THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

  • 18/10/2024
  • 120
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

    Đặt vấn đề 

    Luật Thư viện đã được Quốc hội chính thức thông qua chiều 21/11/2019, gồm 6 Chương và 52 Điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Luật Thư viện được xây dựng nhằm cụ thể hoá Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

    Luật Thư viện đã tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hoá, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật Thư viện còn thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với hoạt động thư viện; khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện; kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; hiện đại hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện.   

    Từ ý nghĩa đó cho thấy thư viện có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh Trà Vinh cũng rất quan tâm trong việc tổ chức thực hiện tốt Luật thư viện, Nghị định 93 của Chính phủ và các văn bản có liên quan. Xác định đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hoá, việc thực hiện tốt sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển văn hoá xã hội ở địa phương, đặc biệt là thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới.  

    1. Sự cần thiết đầu tư nguồn lực cho việc phát triển thư viện 

    Tăng cường nguồn lực cho phát triển thư viện cũng là thực hiện tốt và đóng góp tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa ở từng địa phương; từ đó thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng và môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

    Việc đầu tư nguồn lực để thư viện tổ chức các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân địa phương góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời thư viện cũng là kênh tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Khi được tổ chức phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân cũng góp phần vào việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, từ đó nâng cao năng suất lao động cải thiện đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, còn là địa điểm để người dân địa phương vui chơi, giải trí lành mạnh thông qua việc tổ chức các hoạt động của thư viện.  

    Việc đầu tư nguồn lực cho thư viện tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống thư viện công cộng phát triển từ tỉnh đến cơ sở, tạo thành mạng lưới thư viện hiện đại phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân. Đồng thời liên kết chia sẻ với các thư viện khác như giáo dục, lực lượng vũ trang, … 

    Đầu tư nguồn lực cho thư viện để các thư viện có điều kiện hiện đại hoá, bắt kịp với sự phát triển khoa học công nghệ nhất là thực hiện thành công Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;  

    Việc đầu tư nguồn lực cho các thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới và hải đảo rất cần thiết, để đem nguồn thông tin chính thống, tuyên truyền và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin phục vụ sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội. 

    2. Kết quả đầu tư nguồn lực cho thư viện tại tỉnh Trà Vinh  

    2.1. Thực trạng các loại hình thư viện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh  

    Hiện nay, theo Luật thư viện, tỉnh Trà Vinh có 05 loại hình thư viện gồm: Thư viện công cộng; thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; thư viện cơ sở giáo dục đại học; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. 

    - Thư viện công cộng: 

        Tỉnh Trà Vinh có hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở bao gồm 01 Thư viện tỉnh, 08 Thư viện huyện, thị xã, 44 thư viện cấp xã, 140 phòng đọc sách, 66 thư viện bưu điện văn hoá xã, với vốn tài liệu 442.166 bản sách, tài liệu điện tử với 13.868 tên sách, báo, tạp chí 314 tên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện được quan tâm, Thư viện tỉnh trang bị phần mềm quản lý thư viện điện tử, với website thư viện phục vụ rộng rãi bạn đọc, 8/8 thư viện huyện có sử dụng phần mềm trong quản lý và tổ chức hoạt động thư viện, tài liệu điện tử được chia sẻ đến thư viện huyện, xã trên toàn tỉnh. 

     Nguồn nhân lực: Thư viện tỉnh có 22 biên chế và 03 hợp đồng lao động, trong đó có 07 viên chức tốt nghiệp chuyên ngành thư viện, viên chức có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, có 4 thạc sĩ; thư viện cấp huyện mỗi đơn vị được bố trí 01 viên chức, tất cả viên chức thư viện huyện đều được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thư viện; Thư viện xã và phòng đọc sách cấp xã được trưng dụng cán bộ từ các tổ chức đoàn thể của xã để kiêm nhiệm thêm lĩnh vực thư viện. 

    Kinh phí: kinh phí Thư viện tỉnh được cấp tương đối ổn định, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; thư viện huyện kinh phí còn khó khăn, chỉ được bố trí kinh phí lương; Thư viện xã chưa có kinh phí hoạt động. 

    Tổ chức phục vụ bạn đọc: Hiện nay Thư viện tỉnh đã đa dạng hoá các hình thức phục vụ bạn đọc bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số lượng bạn đọc được phục vụ tăng lên hàng năm trong năm 2024 phục vụ trên 637.502 bạn đọc; thư viện cấp huyện, thư viện cấp xã công tác mở cửa, tổ chức phục vụ cũng được quan tâm, số lượng bạn đọc dần được cải thiện.  

    - Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân:

Tỉnh Trà Vinh với bờ biển dài trên 65km, được bố trí các Đồn Biên phòng và có Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã góp phần làm phong phú thêm thư viện lực lượng vũ trang nhân dân vì các Đồn Biên phòng đều thành lập thư viện. Hiện nay Trà Vinh có 09 thư viện lượng vũ trang, với vốn tài liệu phong phú đáp ứng nhu cầu của cán bộ chiến sĩ và người dân.  

    - Thư viện cơ sở giáo dục đại học: 

    Trà Vinh có Trường Đại học Trà Vinh với Trung tâm học liệu được ứng dụng mạnh mẻ công nghệ thông tin, với vốn tài liệu 104.807 bản sách, 71 tên tạp chí khoa học các loại, 6. 426 bản tài liệu điện tử, hàng năm phục vụ trên 29.523 lượt. Trung tâm học liệu với nguồn nhân sự được đào tạo bài bản có 17 viên chức trong đó có 07 viên chức có trình độ trên đại học. 

    - Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác: 

    Thực hiện Đề án phát văn hoá đọc, Trà Vinh xác định mục tiêu phát triển văn hoá đọc nên bắt đầu từ các em học sinh, sinh viên, để tạo cho các em thói quen, nhu cầu đọc từ sớm. Từ đó, Thư viện các điểm trường trên địa bàn tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, đến nay toàn tỉnh có 274 thư viện tại các điểm trường hoạt động hiệu quả với nguồn nhân lực 173 viên chức phụ trách có trình độ đại học 130 viên chức. Với vốn tài liệu 3.281.540 bản sách, số lượt phục vụ 45.583.578 lượt/năm, kinh phí cũng được quan tâm, phân bổ trên 3.243.000 đồng.   

    - Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng: 

    + Tỉnh Trà Vinh hiện nay có 01 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng với cơ sở vật chất có toà nhà riêng với diện tích trên 100m2 , vốn tài liệu trên 8.000 bản sách, được bố trí sắp xếp khoa học, phục vụ tốt nhu cầu của người dân địa phương.  

    + Hiện nay tỉnh Trà Vinh có 01 thư viện cộng đồng của tổ chức Trung tâm tình nguyện cộng đồng ECO Vietnam Group, khánh thành vào tháng 02 năm 2016, trên diện tích 3000 m2. Toàn bộ kinh phí xây dựng và vận hành bởi Tổ chức ECO Vietnam Group. Thư viện tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại giá trị trong việc phát triển văn hoá đọc ở địa phương. 

    2.2. Kết quả triển khai và hiệu quả mang lại của việc đầu tư nguồn lực cho thư viện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh 

    Hệ thống thư viện công cộng thời gian gần đây được đầu tư từng bước phát triển, đặc biệt sau khi có Luật Thư viện, Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để thư viện được đầu tư và từng bước hiện đại. Riêng tỉnh Trà Vinh đã chủ động ban hành các văn bản cụ thể hoá để có cơ sở cho các thư viện vận dụng và triển khai đầu tư cho thư viện. Cụ thể thư viện tỉnh được phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 với kinh phí 3.181 triệu đồng, với nguồn kinh phí trên đến năm 2025 xây dựng thư viện tỉnh trở thành thư viện điện tử cùng với việc hiện đại hoá các khâu mượn, trả sách tự động. Với Đề án phát triển văn hoá đọc ở địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí được phê duyệt trên 27.200 triệu đồng cho hệ thống thư viện công cộng toàn tỉnh.  

    Thư viện huyện cũng được quan tâm, 8/8 thư viện cấp huyện được bố trí trụ sở làm việc riêng, có biên chế viên chức và được đào tạo từ cao đẳng trở lên, hàng năm đều có bố trí kinh phí tham gia các hoạt động phát triển văn hoá đọc ở địa phương. Năm 2024, tỉnh đã thành lập mới 01 thư viện cấp huyện sau khi có sự chia tách huyện Duyên Hải thành thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải. 

    Hệ thống thư viện trường học được đầu tư, quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các em học sinh sinh viên có nguồn thông tin bổ ích tham khảo, Trung tâm học liệu Trường đại học Trà Vinh được đầu tư và đủ điều kiện là thư viện điện tử. 

    Các thư viện trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng được đầu tư, các thư viện trường đều được bố trí phòng riêng, có trang bị phần mềm quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện trên địa bàn.  

    Nhìn chung tất cả các hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người. Từ đó văn hoá đọc ở địa phương có bước phát triển, số lượt phục vụ của các thư viện tăng lên hàng năm. 

    2.3. Những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện.  

    - Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các thư viện trên địa bàn chưa đồng bộ, dẫn đến công tác chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện còn khó khăn. 

    - Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành trong các thư viện trên địa bàn còn ít, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn, công tác quản lý sử dụng thư viện cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn nghiệp vụ thư viện. 

    - Kinh phí bổ sung nguồn lực thông tin của thư viện cơ sở còn khó khăn, nguồn kinh phí ít, trong khi nhu cầu thực tế cơ sở thì rất lớn. Đôi lúc thư viện tỉnh thiếu tài liệu để hỗ trợ cho các thư viện xã, phòng đọc sách, không gian đọc.  

    - Cơ sở vật chất ở một số thư viện còn hạn chế, còn bố trí tạm trong khuôn viên khu hành chính, cơ sở vật chất không đảm bảo, việc trang bị giá, kệ còn ít, thiếu. 

    - Việc bố trí nhân viên là cán bộ đoàn thể ở thư viện cơ sở kiêm nhiệm phụ trách thư viện cũng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức phục vụ bạn đọc, thời gian mở cửa không đảm bảo.  

    - Dịch vụ tại các thư viện cơ sở còn ít, không phong phú hấp dẫn người dân đến sử dụng thư viện, chủ yếu là đọc tại chỗ và mượn về nhà. 

    - Các thư viện chưa có sự liên kết, phối hợp trong công tác, tạo ra sự phát triển không đồng bộ, khó khăn trong quá trình liên thông thư viện. 

   3. Một số giải pháp đẩy mạnh công tác đầu tư nguồn lực cho thư viện 

     Tổ chức và triển khai thực hiện tốt Luật thư viện, tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành các văn bản phù hợp tạo động lực để thư viện phát triển. Trong quá trình thực hiện lồng ghép các đề án, chương trình tại địa phương như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

    Tổ chức triển khai và thực hiện tốt các Chương trình, đề án đã được phê duyệt như Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, đề án phát triển văn hoá đọc, tạo tiền đề để các thư viện có cơ sở đầu tư trang thiết bị, nguồn lực thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ nguồn lực tạo thành hệ thống liên thông, liên kết, từ đó phục vụ tốt nhu cầu thông tin của bạn đọc. 

    Bố trí nhân sự phụ trách thư viện cơ sở mang tính chất ổn định, lâu dài, và được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thư viện. 

    Tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động thư viện, việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ về hoạt động thông tin - thư viện. 

    Đối với một số thư viện xã có điều kiện được trang bị máy tính từ nguồn dự án BMGF, tiếp tục duy trì và khai thác nguồn lực thông tin trên internet, quan tâm các nguồn tài liệu chia sẻ từ các thư viện tỉnh, tổ chức cho bạn đọc khai thác nguồn tài liệu số hóa của thư viện tỉnh. 

    Phối hợp với các thư viện trong tỉnh để tổ chức các hoạt động thư viện: Hỗ trợ trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, tổ chức phục vụ sách báo, trưng bày, triển lãm, hội thi, hội diễn, mượn liên thông giữa các thư viện.

    Trao đổi, biếu tặng, hỗ trợ tài liệu nghiên cứu, tài liệu về nghiệp vụ thư viện. Chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các Thư viện trong tỉnh nhất là thư viện tỉnh.

    Tăng cường tham gia các hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng phục vụ. 

    Nâng cao nhận thức xã hội, chính quyền các cấp về vai trò của hệ thống thư viện công cộng trong quá trình hội nhập và phát triến của tỉnh nhà. Khuyến khích vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng sự nghiệp Thư viện, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức xã hội tham gia một cách chủ động, bình đẳng vào các hoạt động thư viện, nhất là đối với thư viện cơ sở.   

    Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho phát triển sự nghiệp thư viện, khai thác các nguồn nhân lực và vật lực trong xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn trong nhân dân đóng góp để xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện. tập trung chủ yếu vào các thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng.   

    Kết luận 

    Nhìn chung, thời gian qua hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có  phát triển, văn hoá đọc ngày càng được phát huy, hệ thống thư viện công cộng phủ khắp từ tỉnh đến xã, đồng thời các phòng đọc sách, không gian đọc trong các cơ sở thờ tự cũng được quan tâm xây dựng, tủ sách gia đình, dòng họ từng bước được thư viện tỉnh trang bị, bổ sung. Ngoài ra các thư viện hoạt động ngày càng năng động, sáng tạo hơn, không chỉ là nơi để đọc sách mà còn là nơi để các em giao lưu, học hỏi, trãi nghiệm, sinh hoạt văn hoá lành mạnh; Công tác khuyến đọc cũng được quan tâm tổ chức từ tỉnh đến cơ sở như cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc, Hội thi thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách, Hội thi sắc màu tuổi thơ được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh, các hoạt động giao lưu tác giải tác phẩm, sinh hoạt chuyên đề, trưng bày triển lãm thường xuyên được tổ chức; công tác ứng dụng nghệ thông tin cũng được quan tâm, thư viện tỉnh, huyện, thư viện đại học, thư viện các trường phổ thông, trung học cơ sở đều sử dụng phần mềm quản lý thư viện. Với những nổ lực và kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh phấn đấu thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển văn hoá đọc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. 


Lâm Văn Tuyên